Chăm sóc bản thân trong thời điểm khó khăn

Chăm sóc bản thân trong thời điểm khó khăn

Đã gần hai tháng trôi qua rồi kể từ bài blog cuối cùng của tớ (xin lỗi các cậu nhiều lắm, huhu). Ngoài việc học hành tương đối bận khiến tớ không thể thường xuyên update với mọi người được, thời gian vừa rồi tớ cũng gặp phải khá nhiều chuyện tồi tệ đổ ập lên đầu cùng một lúc. Tớ mất đi một mối quan hệ thân thiết đã kéo dài suốt hàng năm trời chỉ trong một khoảnh khắc. Tớ làm phật ý một người bạn mà tớ tôn trọng, vì sự thiếu tinh tế của mình. Bài vở của tớ chẳng ra sao cả mặc dù tớ đã hết sức tranh thủ thời gian để hoàn thành chúng. Và tất cả diễn ra chỉ vài ngày trước khi tớ đón sinh nhật tuổi 23.

Thời điểm đó, tớ chỉ biết nhốt mình trong phòng và…khóc. Cuộc sống du học đồng nghĩa với việc tớ không thể có ai đó ở ngay bên cạnh chia sẻ cùng, và bản thân tớ cũng chọn cách khép mình lại, cách ly hoàn toàn với mạng xã hội. Mất khá nhiều thời gian để tớ tạm sắp xếp lại một cuộc sống ổn định, bình thường. Giờ đây khi mọi thứ đã tạm lắng lại, tớ cũng cảm thấy nhẹ nhõm phần nào và dần thoải mái hơn khi chia sẻ với các cậu về nó.

Trong cuộc sống, chúng mình sẽ luôn phải đối diện với những tình huống tương tự, thậm chí kinh khủng hơn nữa. Kể cả có cố gắng sống tích cực, lạc quan đến mấy thì cũng chẳng thể nào tránh khỏi những lúc bị cả thế giới vùi dập. Điều quan trọng là làm sao để chăm sóc tốt bản thân mình trong thời điểm như vậy, bởi vì đó là cách giúp chúng mình sớm vượt qua giai đoạn khó khăn và tìm lại thế cân bằng nhanh nhất.

Cùng tớ khám phá xem chúng mình có thể thực hiện điều đó như thế nào qua những bài học mà tớ đã tích cóp được cho mình ở dưới đây nhé.

1. Xây dựng không gian riêng

Việc có cho mình một không gian riêng tại thời điểm khó khăn thực sự rất quan trọng. Đó phải là nơi đủ kín đáo nhưng không quá bí bách để chúng mình tự do bộc lộ những cảm xúc của bản thân một cách thoải mái nhất. Thông thường mọi người sẽ nghĩ ngay đến căn phòng của mình, và tớ cũng vậy, dành rất nhiều thời gian ở trong phòng khóc lóc, ngủ nghê, tâm sự với bạn hoặc làm bất cứ thứ gì khiến tớ thấy bớt nặng nề hơn.

Tuy nhiên, tớ nghĩ rằng chúng mình cũng đừng nên ở trong phòng nhiều quá. Một người bạn của tớ khi ấy biết chuyện xong cứ cố gắng động viên tớ ra ngoài thay đổi không khí một chút vì sợ tớ bị…trầm cảm. Nó bảo tớ, muốn nghĩ gì thì nghĩ, muốn ở một mình cũng không sao, nhưng hãy cố gắng tìm đến những không gian mới mẻ, thoáng đãng hơn thay vì cứ quanh quẩn trong bốn bức tường như vậy.

Thế là ngày tiếp theo đó tớ bắt đầu thử đi dạo gần nhà, đi công viên đọc sách, có lúc lại ngồi vu vơ trên phố, ngắm nghĩa mọi thứ xảy ra xung quanh để bớt sự tập trung vào nỗi buồn của bản thân. Đỉnh điểm là hôm mua vé vào rạp xem phim một mình. Rất phù hợp bộ phim Crazy Rich Asian tớ xem vừa có yếu tố hài hước, vừa có những cảnh rất cảm động, tha hồ khóc cười đủ kiểu mà chẳng ai để ý mình làm gì. Nếu bạn nào trải qua chuyện như tớ thì chắc chắn nên trải nghiệm đi xem phim rạp một mình, sẽ thấy khá lên nhiều đó.

2. Hạn chế tiếp xúc với mọi người bên ngoài và trên mạng xã hội

Khi cảm xúc đang không ổn định, việc gặp gỡ quá nhiều người không cần thiết sẽ càng làm tình hình trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, để bảo vệ cảm xúc đó của bản thân, chúng mình nên tạm rời xa những mối quan hệ xung quanh trong một khoảng thời gian nhất định, cũng như tạm không quan tâm đến những chuyện đang xảy ra với cuộc sống của người khác, nhằm hạn chế ít nhất sự tiêu cực từ bên ngoài tác động lên chúng mình.

Nếu vì công việc hay một lý do bắt buộc nào khiến chúng mình vẫn phải tiếp xúc với một số người thì hãy chủ động báo trước cho họ biết về tình trạng hiện tại của mình để họ có thể hiểu, cảm thông và hỗ trợ mình nếu như cần thiết, đồng thời giảm bớt những rắc rối không đáng có.

3. Chia sẻ vừa đủ

Nhu cầu chia sẻ cảm xúc ở con người rất lớn, nhất là khi gặp chuyện không vui. Ở mỗi con người khác nhau thì nhu cầu đó cũng khác nhau nữa. Đối với tớ, càng ít người biết càng tốt và thường chỉ có khoảng một, hai người thực sự phù hợp để tớ tìm tới tâm sự mà thôi. Trước những bạn bè thân thiết khác tớ vẫn tỏ ra bình thường, hoặc nếu họ tinh ý nhận thấy điều gì đó khác, thì tớ cũng chỉ nói đơn giản rằng có chút chuyện, lúc nào cảm thấy sẵn sàng sẽ kể sau.

Thực sự thời gian vừa qua tớ đã thực hiện đúng như vậy và thấy rất thoải mái, vì càng ít người biết tức là càng ít phải nói đến, càng đỡ phải suy nghĩ hơn, dễ cuốn vào những câu chuyện vui vẻ cùng với mọi người hơn. Mỗi người phải biết thế nào là mức vừa đủ của bản thân, không nên ôm hết cảm xúc vào trong mình nhiều quá nhưng cũng không nên chia sẻ quá nhiều bởi cách nào cũng sẽ đem lại những tác động tiêu cực.

4. Không trốn tránh cảm xúc của bản thân

Nhiều bạn hỏi tớ làm sao để có thể luôn duy trì suy nghĩ tích cực, thì tớ xin phép trả lời rằng sẽ rất khó nếu trước đó chúng mình cứ cố tình gạt đi những cảm xúc tiêu cực. Chỉ khi mạnh dạn đối mặt với những nỗi buồn, giận dữ, thất vọng, khổ đau thì chúng mình mới tìm cách chữa lành chúng được. Hãy suy nghĩ về nó và tự hỏi tại sao mình lại có cảm xúc như vậy, trước những sự việc như vậy để thấy hiểu bản thân nhiều hơn.

Những cảm xúc tiêu cực là một điều hoàn toàn bình thường trong cuộc sống và nó tồn tại ngay từ khi chúng mình sinh ra. Giống như ngày bé, chúng mình khóc vì cảm thấy đau khi bị ngã, đủ để biết rằng lần sau không nên chạy nhảy vội vàng. Càng trải nghiệm, chúng mình sẽ càng tích cóp cho mình những bài học để khi rơi vào tình huống tương tự, chúng mình sẽ biết nên và không nên làm cái gì để bảo vệ cảm xúc của mình một cách hiệu quả nhất.

5. Duy trì nếp sống khoẻ mạnh

Dưới những áp lực và căng thẳng tâm lý xảy ra trong quãng thời gian khó khăn, rất nhiều người chọn cách buông lơi sức khoẻ của chính mình bằng việc bỏ ăn, bỏ uống, thậm chí tệ hơn nữa là tìm đến những thứ cực kỳ có hại như thuốc lá, rượu bia. Đó là việc mà dù thế nào chúng mình cũng phải tìm cách tránh, nếu không muốn ngoài tâm lý vốn đã bất ổn còn mắc phải những bệnh về thể chất. Đặc biệt là những bạn ở xa nhà và không có người thân, bạn bè bên cạnh giống như tớ thì càng phải hiểu rằng trách nhiệm đối với việc chăm sóc bản thân phụ thuộc hoàn toàn vào một mình mình mà thôi. Hãy đảm bảo những sinh hoạt cơ bản được thực hiện đầy đủ như ăn đúng bữa, uống nhiều nước, đi ngủ sớm. Một cơ thể khoẻ mạnh chắc chắn sẽ có những tác động tích cực lên quá trình phục hồi tâm lý và lấy lại cuộc sống cân bằng.

6. Làm những việc khiến mình cảm thấy vui và thoải mái

Không có câu trả lời cụ thể rằng chúng mình nên làm gì để cảm thấy khá hơn trong quãng thời gian khó khăn, bởi mỗi người đều khác nhau và chỉ có các cậu mới biết điều gì là cần thiết dành cho mình. Có những người tìm thấy nguồn động viên, an ủi rất lớn khi ở bên cạnh người thân, bạn bè; những người khác lại thích ném mình vào công việc hoặc những thú vui như nấu ăn, làm bánh, chăm sóc cỏ cây, v.v… Trường hợp của tớ, tớ chọn xem Running Man (một show giải trí của Hàn Quốc) vì có buồn đến mấy thì khi xem tớ cũng không nhịn được mà cười ngoác hết cả miệng. Những lúc như vậy, tớ thấy mình hoàn toàn quên đi chuyện buồn đang phải đối mặt, dù chỉ trong chốc lát thôi nhưng rõ ràng cũng có khá hơn.

Hãy chịu khó quan sát, lắng nghe thật kỹ xem điều gì thực sự khiến các cậu có hứng thú, cảm thấy thoải mái nhất và được là chính mình nhiều nhất.

7. Thay đổi cách nhìn nhận vấn đề

Một người bạn nước ngoài đã tâm sự với tớ như thế này, “Hey, I know it’s been very hard recently, but believe me, you don’t even have time for it.

Lúc đấy tớ mới thấy rằng, ừ nó nói cũng đúng thật. Tớ còn một đống việc phải làm, một đống bài phải nộp, một đống ý tưởng muốn thực hiện cho cái blog, và dưới áp lực deadline thì dù không muốn tớ cũng phải cố gắng hết sức để hoàn thành. Cho nên, quả thực tớ không có nhiều thời gian quan tâm đến những chuyện phiền muộn đó nữa. Tớ cũng không quên dành một chút khen ngợi nho nhỏ cho bản thân mỗi khi đạt được kết quả nào đấy trong công việc hay học tập, vì điều đó giúp tớ thấy được mình mạnh mẽ và bản lĩnh như thế nào dù những chuyện xung quanh đang không mấy suôn sẻ. Cuối cùng, tớ cũng luôn tự nhủ rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi, thời gian sẽ chữa lành tất cả và tớ xứng đáng được nhận những điều tích cực hơn là những thứ tiêu cực như vậy trong cuộc sống. Và cả các cậu cũng vậy.


What doesn’t kill me make me stronger là có thật các cậu ạ. Nhiều khi đời quật cho vài cú cứ tưởng là gục đến nơi nhưng rồi chúng mình cũng sẽ tìm cách đứng dậy được và trở nên mạnh mẽ hơn, bền bỉ hơn. Miễn là mỗi người có đủ sự kiên trì để có thể chăm sóc, bảo vệ cũng như yêu thương bản thân mình một cách tốt nhất qua giai đoạn khó khăn đó. Hy vọng những bài học trên mà tớ đã tự tích cóp được sẽ trở nên có ích với mỗi người các cậu thật nhiều nhé.

Chúc các cậu luôn xinh và vui.