Làm sao để bớt than phiền (một cách vô ích)

Có thế các cậu không biết, hoặc không ý thức được rằng, một thói quen mà hầu hết tất cả mọi người đều mắc phải đó chính là than phiền. Chúng ta than phiền về mọi thứ xảy ra trong cuộc sống, về thời tiết, về sức khỏe, về công việc, học tập, về những người xung quanh. Từ những câu chuyện đơn giản, vô thưởng vô phạt hàng ngày,
“Trời nóng/lạnh không chịu nổi.”
“Đông người xếp hàng quá, chờ mãi mới tới lượt.”
“Mới sáng ngày ra, đi đường đã bị công an vẫy.”
cho đến những vấn đề quan hệ, tâm lý phức tạp,
“Chẳng có ai quan tâm đến tôi hết.”
“Trong lớp học/Ở chỗ làm toàn một lũ khó ưa.”
“Con người bây giờ thật là thiếu văn hóa.”
Nếu để ý kĩ một chút, chúng ta sẽ thấy sự tồn tại của những lời than phiền ở khắp mọi nơi.
Tại sao chúng ta than phiền?
Nhìn chung, chúng ta thường hay than phiền khi gặp chuyện gì đó xảy ra không đúng như mong đợi. Có rất nhiều lý do khiến chúng ta muốn được than phiền với người khác về những vấn đề của mình.
Một trong những nguyên nhân chính đó là vì chúng ta cần giải tỏa sự tiêu cực và bất mãn. Giống như một chai nước ngọt có ga bị lắc mạnh, dưới sự áp lực chúng ta có nhu cầu bùng nổ mọi suy nghĩ, mọi cảm xúc ra bên ngoài thông qua việc than phiền. Điều đó giúp chúng ta cân bằng lại phần nội tâm bên trong để chuẩn bị đối mặt với những thử thách tiếp sau đó.
Chúng ta than phiền vì muốn tìm kiếm sự đồng cảm từ người khác, mong rằng họ sẽ nhận ra những vướng mắc, những khó khăn ta đang phải chịu đựng và dành cho chúng ta nhiều sự quan tâm hơn. Có thể các cậu không nhận ra, nhưng đôi khi tất cả những gì chúng mình cần nghe chỉ là một câu nói, “Tớ hoàn toàn thấu hiểu cảm giác ấy của cậu. Nếu là tớ chắc chắn cũng sẽ thấy bực mình lắm”.
Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người mà đối với họ việc than phiền đã trở thành một thói quen, khiến họ có xu hướng dễ bất mãn và muốn than phiền về bất cứ chuyện gì dù là to hay nhỏ xảy ra trong cuộc sống
Những ảnh hưởng tiêu cực của việc than phiền
Có thể nói rằng, hành động than phiền đồng nghĩa với việc chúng ta đang cố gắng bỏ bớt những năng lượng tiêu cực từ mình sang cho người khác. Chúng ta tìm đến gia đình, bạn bè và cả mạng xã hội với mong muốn giải tỏa cảm xúc của mình nhưng lại không thực sự cân nhắc về những ảnh hưởng mà lời than phiền đó có thể gây ra. Mỗi người đều có những vấn đề riêng, những khó khăn riêng; và lời than phiền mà chúng mình nói ra khi đó sẽ chỉ khiến cho đối phương cảm thấy tồi tệ hơn, dẫn đến những khúc mắc trong mối quan hệ giữa hai người.
Một sự thật là than phiền quá nhiều cũng không giúp chúng ta thoát ra khỏi tình trạng tiêu cực, bất mãn đang gặp phải. Những người hay than phiền có xu hướng tập trung vào vấn đề thay vì chủ động tìm hướng giải quyết nó. Chính vì vậy, bản thân họ sau khi than phiền xong không hề cảm thấy khá hơn nên lại tiếp tục than phiền, và quá trình đó cứ lặp đi lặp lại mà không đem đến một lợi ích nào hết.
Càng than phiền, chúng ta càng nhìn cuộc sống theo hướng bi quan hơn. Đôi khi, vấn đề không thực sự nghiêm trọng đến vậy, thế nhưng chúng mình lại dành quá nhiều thời gian, sức lực để tập trung vào nó và không thể phân tích mọi việc một cách sáng suốt. Nghiêm trọng hơn, chúng mình sẽ quen với lối suy nghĩ đó và dần hình thành thói quen sống tiêu cực.
Làm sao để việc than phiền có ích?
Mọi thứ trên đời đều có hai mặt của nó, và ngay cả việc than phiền cũng vậy. Ở một khía cạnh nào đó, những lời than phiền sẽ phát huy được lợi ích của mình nếu được chia sẻ vừa đủ và phù hợp. Dưới đây tớ ghi lại các tips để những lần than phiền tới chúng mình có thể giải tỏa cảm xúc cũng như tháo gỡ vấn đề hiệu quả hơn.
Xác định mục đích - Tìm kiếm lời khuyên, tìm hướng giải quyết vấn đề, giải tỏa tâm trạng là những mục đích đúng đắn của việc than phiền. Nên tập trung vào những mục đích này để lời than phiền không trở nên vô nghĩa.
Biết điểm dừng - Đừng nói đi nói lại một vấn đề quá nhiều lần. Sau khi đạt được mục đích đã đặt ra trước đó rồi thì nên cố gắng kiểm soát cảm xúc của mình và lái sự tập trung sang chuyện khác.
Tôn trọng những ý kiến khác biệt - Dù chúng mình rất cần sự đồng cảm khi chia sẻ nỗi bức xúc nhưng việc người khác đưa ra những ý kiến một cách khách quan sẽ giúp chúng ta nhìn nhận vấn đề thông suốt hơn.
Xem lại bản thân - Những chuyện không hay, không như ý muốn xảy ra ít nhiều có một phần trách nhiệm của chúng ta trong đó. Trước khi quyết định giải tỏa cảm xúc bằng việc than phiền, hãy bình tĩnh nghĩ lại xem thử trách nhiệm của mình là gì và trong giới hạn trách nhiệm đó, liệu mình có thể làm gì để thay đổi cục diện hay không.
Thay vì than phiền, hãy hành động - Cuộc sống sẽ luôn có những chuyện tồi tệ xảy ra khiến chúng ta chùn bước. Đừng mất quá nhiều thời gian than phiền về nó mà hãy coi như đó là một phần tất yếu và chủ động tìm cách để vượt qua.
Trong cuốn sách The Subtle Art of Not Giving a F*ck của Mark Mason, có một câu nói tớ thấy rất hay được tác giả liên tục lặp lại,
“You are not special” (Bạn chẳng có gì đặc biệt).
Ý nói ở đây không phải chê bạn tầm thường, mà chính xác hơn, Mark muốn khẳng định rằng bạn là một người BÌNH THƯỜNG, giống như bao người khác. Tất cả những nỗi khổ bạn đang phải trải qua đều có người đã, đang và sẽ trải qua tương tự. Cho nên không việc gì phải làm quá mọi thứ lên cả, mà hãy đưa ra những đánh giá đúng đắn, thực tế. Đó là cách sẽ giúp chúng ta thoát ra được những trở ngại để tiếp tục hành trình sống của mình.
Chúc các cậu luôn xinh và vui.