Những rắc rối của một người làm blog

Làm blog là một trải nghiệm thú vị các cậu ạ.
Mặc dù không phải một blogger chuyên nghiệp nhưng trong khoảng thời gian hai năm xây dựng trang blog cá nhân của mình, tớ đã học được rất nhiều thứ hay ho.
Tớ nhận ra rằng, để chạy một chiếc blog bất kể quy mô như thế nào đi chăng nữa, thì việc ngồi không viết bài thôi là không đủ. Sẽ có những trở ngại mà chỉ khi bắt tay vào làm blog rồi mình mới có thể hiểu được. Đó cũng là những điều tớ sắp sửa chia sẻ dưới đây, nên nếu các cậu đang ấp ủ ý định làm một chiếc blog thì đừng bỏ qua bài viết này nhé.
Không có thời gian viết blog
Có một sự thật là viết blog rất tốn thời gian.
Ban đầu tớ nghĩ mình sẽ duy trì được ít nhất hai bài viết mỗi tuần. Nghe dễ dàng nhỉ? Nhưng điều đó hoàn toàn không thể ngay cả khi tớ vẫn đang đi học. Vì ngoài lúc đi học ra tớ còn phải làm bài tập, phải nấu nướng, tắm giặt, phải xem phim, đọc sách và làm ti tỉ những thứ khác cho đời nữa. Nên thành ra khoảng thời gian còn lại cho việc viết blog thực chất không nhiều. Chưa kể, tớ còn là đứa viết chậm nữa các cậu ạ. Bình thường người ta viết một bài trong vòng một ngày thì tớ cần tới ba, bốn ngày lận. Cho nên khi làm blog phải thật sự đầu tư không chỉ công sức mà còn là quỹ thời gian của mình vào đó.
Để khắc phục vấn đề về thời gian, khoảng vài tháng gần đây tớ đã cố gắng lập một bảng kế hoạch nội dung cho blog để nắm được sắp tới mình sẽ viết về cái gì và phải hoàn thành vào lúc nào. Trừ những đợt quá bận không thể theo được thì nhìn chung cái bảng đó đã giúp tớ kha khá trong việc sắp xếp thời gian viết blog hiệu quả hơn.
Không có bức ảnh nào ra hồn
Tốt gỗ hơn tốt nước sơn, nhưng ở thời đại bây giờ nếu nước sơn không tốt thì cũng chẳng ai buồn đoái hoài tới gỗ có tốt hay không cả. Điều đó đúng với rất nhiều mặt bao gồm cả làm blog các cậu ạ. Nhất là khi tớ định hướng nội dung blog của mình là những chia sẻ về cuộc sống xung quanh tớ thì càng nên có những bức ảnh đính kèm để việc tương tác được tốt hơn. Mỗi tội, có những ngày tớ chỉ cắm mặt ở nhà thôi thì lấy đâu ra ảnh để dùng cho việc viết blog. Mặc dù tớ có thể sử dụng các nguồn ảnh miễn phí trên mạng nhưng các cậu biết đấy, lúc nào tớ cũng muốn nội dung mình đăng lên là authentic nhất, không kể writing hay visual. Cho nên tớ rất ngưỡng mộ những bạn blogger/influencer có phần visual content bắt mắt vì đó là một việc không hề dễ để thực hiện. Visual content thì không chỉ đẹp, mà còn phải liên quan đến phần nội dung mình viết ra nữa.
Không biết viết về cái gì
Dù mới viết được một tuần hay đã viết trong vài năm thì cái chuyện cạn ý tưởng và chẳng có hứng để viết luôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đợt về Việt Nam vừa rồi tớ bỏ blog suốt mấy tháng trời mặc dù thời gian rảnh thì khá nhiều, căn bản vì không có cảm hứng. Cảm hứng rất quan trọng. Không chỉ riêng những người làm blog mà tất cả những ai trải nghiệm việc sáng tạo nội dung đều có thể hiểu được việc không có cảm hứng khó chịu lẫn bức bối ra sao.
Tớ từng xem một tập Không Cay Không Về có khách mời là Tiên Cookie, nói rằng mình hoàn toàn có thể sáng tác mà không cần cảm hứng, vì rõ ràng chị ấy đã quá chuyên nghiệp với công việc sáng tạo của mình rồi. Nhưng chị cũng chia sẻ, một sáng tác có cảm hứng trong đó chắc chắn bao giờ cũng khác. Viết blog cũng vậy, khi mình viết với một cảm hứng nhất định thì không chỉ ý tưởng tuôn trào nhanh hơn nè, mà trên hết là sẽ có tính kết nối cao hơn.
Đối với tớ, cảm hứng đến từ mọi thứ xung quanh mình kể cả những điều nhỏ nhất. Cho nên đôi khi mình phải sống chậm lại một chút và quan sát thật kĩ để tìm thấy niềm cảm hứng cho riêng mình.
Không có ai đọc những gì mình viết
Việc xây dựng một chiếc blog ít nhiều luôn đi kèm với mong muốn những gì mình viết ra được người khác chia sẻ và đón nhận. Vì vậy thời gian đầu viết blog bao giờ cũng là giai đoạn thử thách nhất. Tớ nhớ mình từng chày chật mãi mới có được khoảng 1,000 người theo dõi trên Instagram và gần 2,000 người trên Facebook. Lúc đấy tớ thậm chí còn chưa nghĩ gì đến việc sẽ tạo một nền tảng blog trên website riêng như bây giờ. Nếu các cậu thực sự muốn làm một chiếc blog thì phải thực sự kiên trì đó. Cũng đừng để ý quá đến việc có ai đọc những gì mình viết hay không, cứ bắt tay vào và viết thôi. Baby step mà.
Một vài blogger nước ngoài mà tớ theo dõi thì cho rằng, blog muốn có nhiều người đọc thì lượng tương tác phải cao. Tương tác trước, sau đó mới lôi kéo được người đọc đến với mình. Cái này tương đối giống với mô hình phễu Marketing ở chỗ phải làm sao khiến cho càng nhiều người biết đến sản phẩm của mình càng tốt, vì từ chỗ cảm thấy hứng thú cho tới quyết định mua sản phẩm sẽ chỉ còn là một con số rất nhỏ so với lượng người được target ban đầu mà thôi. Một ví dụ cụ thể từ chính The Glow Inside Out khi mà lượng người theo dõi đã tăng chóng mặt kể từ lúc tớ bắt đầu thiết kế và chia sẻ rộng rãi các template trên Instagram Story của mình. Khi làm blog, bên cạnh nội dung thì các cậu hãy cân nhắc những chiến lược để có thể tương tác tốt nhất với những bạn đọc tiềm năng.
Không kiếm được tiền từ việc làm blog
Mặc dù làm blog đơn thuần xuất phát từ sở thích cá nhân, nhưng việc không kiếm được tiền từ blog cũng là một vấn đề khá đau đầu, nhất là khi mình đã đầu tư không ít thời gian, công sức thậm chí cả tiền bạc vào đó. Chẳng hạn như mỗi năm tớ đều phải trả tiền để duy trì hoạt động của website, rồi thỉnh thoảng là tiền chạy quảng cáo cho bài viết nếu cần. Chưa kể là những khoản chi trả dài hạn cho các loại máy móc, đạo cụ nữa. Làm blog rồi tớ mới hiểu được công việc của những blogger hay Youtuber cũng rất tốn kém, chứ chẳng có gì là dễ dàng như mọi người vẫn nghĩ cả.
Không biết liệu mình viết có đủ hay
Để có thể viết khá hơn, tớ cố gắng đọc càng nhiều càng tốt. Nhưng sự thật thì việc viết cũng ảnh hưởng đến cách mình đọc. Cảm giác kể từ khi viết tớ không còn đọc một cách ngây thơ thoải mái nữa, mà với một con mắt mang tính đánh giá, phân tích chiếm phần nhiều. Kèm theo đó là những băn khoăn so sánh không biết mình viết như vậy đã đủ hay, đủ tốt hay chưa.
Lúc đem suy nghĩ đó chia sẻ với bạn, bạn hỏi “Như thế nào mới là hay?” thì, ừ, tớ nhận ra là tớ cũng chẳng biết nữa. Mặc dù cũng có những định nghĩa về sự “hay” cho bản thân mình, nhưng quả thật tớ không chắc người khác cũng có chung ý kiến. Vì người ta thường thích đọc những gì mà mình quan tâm và cảm thấy dễ liên hệ nhất, mà như thế thì tất nhiên mỗi người sẽ một khác. Tớ thấy, việc viết lách cũng như sáng tác một bài hát vậy; sẽ có người thấy hay, có người thấy dở, có người không hiểu và có người cảm giác như được nói lên chính nỗi lòng mình.
Và khi nhìn nhận vấn đề theo cách đó, tớ lại phát hiện một giá trị thật khác của việc viết.
Viết không phải để ai đó thấy hay, mà trước hết viết là để cho mình. Viết để lưu lại cuộc sống của mình, những gì mình đang trải qua, những điều mình đang cảm thấy. Viết để biết mình đã và đang thay đổi như thế nào. Rồi sẽ có những người thấy đồng cảm với câu chuyện của mình. Viết cũng như một công cụ kết nối, vì thế nếu các cậu thực sự thích viết và cảm thấy muốn viết, thì cứ bắt tay vào viết mà đừng nghĩ ngợi gì nhiều. Mỗi người đều có cách viết nên một câu chuyện và sẽ làm nên định nghĩa “hay” của riêng mình.
Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp các cậu có thể hiểu thêm về những trải nghiệm đằng sau việc làm blog. Hẹn các cậu ở những bài viết tiếp theo nhé, có thể sẽ là một bài hướng dẫn các bước cơ bản để xây dựng một chiếc blog “nếu như ai đó cần” :)
Chúc các cậu luôn xinh và vui.